Hiện nay loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần rất phổ biến, vậy theo quy định của Luật doanh nghiệp, công ty cổ phần có đặc điểm pháp lý gì? Những ưu điểm và hạn chế của loại hình này là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết sau:
1. Đặc điểm pháp lý của công ty cổ phần
Theo quy định tại Điều 111 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì không đưa ra khái niệm cụ thể của công ty cổ phần mà chỉ đưa ra một số đặc điểm pháp lý. Theo đó chúng ta có thể hiểu: Công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp trong đó Cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức, số lượng tối thiểu 3 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa; Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần và Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
– Về cổ đông của công ty: Công ty cổ phần có 03 loại cổ đông, bao gồm:
+ Cổ đông sáng lập: Cổ đông sáng lập phải sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Cổ đông sáng lập cũng chính là cổ đông phổ thông.
+ Cổ đông phổ thông: Cổ đông phổ thông là người sở hữu cổ phần phổ thông.
+ Cổ đông ưu đãi: Người sở hữu cổ phần ưu đãi là cổ đông ưu đãi.
– Về vốn điều lệ và khả năng huy động vốn của công ty:
Công ty cổ phần có khả năng huy động vốn linh hoạt. Công ty cổ phần có thể huy động vốn từ các khoản vay tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ngoài ra công ty Cổ phần có thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu, cụ thể:
+ Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cp phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Việc phát hành cổ phiếu là một điểm mạnh mà công ty trách nhiệm hữu hạn không có được.
+ Công ty cổ phần có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
– Chế độ chịu trách nhiệm tài sản: Chế độ trách nhiệm tài sản của cổ đông công ty cổ phần là chế độ trách nhiệm hữu hạn và tách biệt giữa tài sản công ty và tài sản cá nhân của cổ đông góp vốn. Tức là:
+ Công ty sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản công ty đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
+ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào công ty đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác mà không ảnh hưởng tới tài sản cá nhân.
– Tư cách pháp nhân: Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Ưu điểm của công ty cổ phần
– Không hạn chế số lượng cổ đông nên công ty cổ phần có thể có quy mô lớn.
– Khả năng huy động vốn cao, dễ dàng: Do công ty cổ phần được quyền phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn nên công ty cổ phần có khả năng huy động vốn rất cao.
Luật doanh nghiệp quy định về một số phương thức huy động vốn như sau:
+ Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu: Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ tại công ty.
+ Chào bán cổ phần riêng lẻ: Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ 01/01/2021 chỉ quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng.
+ Chào bán cổ phần ra công chúng: Chào bán cổ phiếu ra công chúng là chào bán cổ phiếu cho một số lượng lớn các nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc sử dụng các phương thức quảng cáo hoặc mời chào có tính chất rộng rãi ra công chúng khi chào bán.
– Chế độ chịu trách nhiệm: Chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của Doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
– Quyền chuyển nhượng vốn của cổ đông rất linh hoạt. Luật doanh nghiệp quy định trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Hết thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập tự do chuyển nhượng cổ phần. Đối với cổ đông phổ thông, việc chuyển nhượng cổ phần là tự do và không cần được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
– Cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Cổ đông được quyền yêu cầu Công ty tiến hành mua lại cổ phần mà họ nắm giữ, trong trường hợp mà họ tuân thủ và thỏa mãn tất cả các điều kiện được quy định bởi luật Doanh nghiệp và trong Điều lệ của công ty. Quyền này được coi là một biện pháp bảo vệ quyền lợi của cổ đông, đồng thời cũng đảm bảo sự minh bạch và rõ ràng trong quá trình mua lại cổ phần.
– Quy mô hoạt động lớn và khả năng mở rộng kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực ngành nghề;
– Việc hoạt động của công ty đạt hiệu quả cao do tính độc lập giữa quản lý và sở hữu;
– Được tính lương thưởng của các cổ đông góp vốn tại các vị trí quản lý vào chi phí hoạt động công ty để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp;
– Mọi quyết định trong việc kinh doanh được thu thập ý kiến của các cổ đông nên rất minh bạch trong quản lý, điều hành.
3. Hạn chế của công ty cổ phần
– Do số lượng các cổ đông có thể rất lớn nên việc quản lý và điều hành Công ty cổ phần rất phức tạp. Đối với công ty lới thậm chí chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ động đối kháng nhau về lợi ích.
– Do công ty phải công khai và báo cáo với các cổ đông nên khả năng bảo mật kinh doanh và tài chính bị hạn chế.
– Do tính chất cổ phần tự do chuyển nhượng nên khó có khả năng khống chế cổ đông vào công ty.
– Ngoài ra, khi các cổ đông chuyển nhượng cổ phần phải có nghĩa vụ nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân và nộp thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng cổ phần từng lần.
Dựa vào những ưu và nhược điểm trên của công ty cổ phần, tùy theo tính chất, quy mô mà cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn nên hay không nên thành lập công ty cổ phần.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Đặc điểm pháp lý của công ty cổ phần, ưu điểm và nhược điểm của công ty cổ phần”. Mục đích nhằm cung cấp cho các cá nhân và tổ chức tham khảo. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi. Mọi thắc mắc cần tư vấn vui lòng liên hệ tới Luật Blue – Hotline: 0911 999 029.
Trân trọng!